Hiện các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, mặt hàng nhằm giữ nhịp độ sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ nhận được đơn hàng bằng 70-80% năng lực sản xuất do cầu tiêu dùng giảm, tín hiệu thị trường chưa khả quan. Ðây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn.

Ngành dệt may cần giữ vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi; phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để bảo đảm khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường; tập trung cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí,… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

Ông Lê Tiến Trường cũng cho biết, Vinatex hiện tập trung vào sản xuất nguyên liệu nhiều hơn sản xuất may mặc, chính vì vậy nguyên liệu luôn là khâu đầu thực hiện xanh hóa trước, tạo nền tảng cho các nguyên vật liệu đạt yêu cầu của quá trình xanh hóa theo yêu cầu của Mỹ và châu Âu đặt ra. Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đơn vị có tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng. Ðồng thời, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.

Ðây là những tiêu chuẩn mới mà thế giới đưa ra, đòi hỏi chúng ta phải tăng năng lực trong chuẩn bị sản xuất, năng lượng, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu tới năm 2024 sẽ đưa vào các báo cáo kiểm toán độc lập liên quan phát triển xanh khi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Vị thế cạnh tranh, những bước tiến đi trước của Việt Nam trong vài năm qua đã bị các quốc gia cạnh tranh đuổi kịp, thậm chí còn vượt. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải có những đổi mới bứt phá để giữ vị thế thuộc tốp 3 trên thế giới. Theo dự báo, tình hình ngành dệt may Việt Nam năm 2023 sẽ xấu hơn năm 2022. Trong khi dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải bám sát diễn biến của thị trường để có các giải pháp linh hoạt nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa" - ông Trường nhấn mạnh.