Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, cùng với coi trọng thị trường nội địa thì đây là một trong những “nút thắt” cần được tháo gỡ trong năm 2023 của ngành công nghiệp da giày.
“Chúng ta cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm. Chính sách thứ hai nữa là chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da… thì chúng ta cần những khu công nghiệp, dư địa để thu hút đầu tư phát triển.
Thứ ba nữa là áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm các chi phí cũng là một trong những cái để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Và đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta thấy hiện nay vẫn còn rất yếu và thiếu vấn đề về hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh của ngành thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh tổng cầu suy giảm nhưng cái đơn hàng của Việt Nam với những lợi thế cạnh tranh vẫn tiếp tục được duy trì để phục vụ cho ngành công nghiệp da giầy” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Còn theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ thì tiếp cận vốn tiếp tục là khó khăn nổi cộm trong năm 2023 cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
“Nguồn vốn hiện nay rất khó khăn. Mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có vào Hội nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguồn vốn vẫn còn khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì vậy Sở Công Thương Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương để tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải cụ thể để làm sao chỉ đạo các hệ thống tổ chức tín dụng giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mạch máu này tắc nghẽn thì rất khó” - ông Hà Vũ Sơn nêu ý kiến.